Cách nấu lẩu lươn hoa chuối ngon không tanh
Cách nấu lẩu lươn hoa chuối ngon, không hề tanh, nước lẩu có vị chua dịu, thanh mát nhưng vẫn rất đậm đà.

Nguyên liệu
- 1kg thịt lươn tươi sống
- 400g hoa chuối bào sợi
- 3 quả cà chua
- 6 quả sấu
- 1 quả dứa
- 2 trái ớt tươi
- 20g hành tăm (nếu không có thay bằng hành khô)
- 5-6 quả chuối xanh
- 1,5kg bún
- Rau ăn kèm: rau ngổ (rau om), lá lốt, tía tô, rau răm, ngò gai (mùi tàu)
- 2 quả chanh
- Gia vị: Nước mắm, bột nêm, bột ngọt, đường, dấm bỗng, dầu màu điều, hạt tiêu xay, bột canh

Lưu ý về nguyên liệu
Lẩu lươn thường được nấu với hoa chuối và rau ngổ. Hoa chuối có vị chát, rau ngổ thơm. Hai hương vị này rất thích hợp để kết hợp với thịt lươn vì vậy bạn không nên bỏ qua. Những nguyên liệu còn lại có nhiều cách để kết hợp để thêm hay bớt tùy khẩu vị. Có thể dùng thêm sả khi làm món ăn này.
Cách làm
Sơ chế lươn
Khi mua lươn bạn nhờ người bán làm sẵn, phần thịt để riêng, phần xương lươn giữ lại để ninh nước lẩu. Hoặc bạn cũng có thể tìm hiểu cách làm lươn sạch nhớt tại đây.
Lươn sau khi sơ chế sạch sẽ, cắt thành miếng vừa ăn. Tuy nhiên không cắt miếng quá bé, khi nấu lẩu lươn sẽ dễ bị lẫn, nát.
Để lươn đậm vị và không tanh, ướp lươn cùng với hành tăm đập dập, 1 thìa canh bột nêm và 1 thìa canh hạt tiêu. Trộn đều và để lươn thấm gia vị trong khoảng 30 phút.

Sơ chế các nguyên liệu khác
Trong lúc đợi lươn thấm gia vị, bạn tranh thủ chế biến các nguyên liệu còn lại, gồm:
Hoa chuối thái rối, ngâm rửa nước muối trong chậu nước to để không bị thâm, sau đó vớt ra để ráo nước.

Cà chua rửa sạch, bổ múi cau.
Dứa gọt vỏ, bỏ mắt dứa, bổ làm tư, gọt bớt phần lõi dứa, sau đó thái thành miếng hình tam giác.
Sấu cắt phần mủm cuống, gọt vỏ, rửa sạch, bổ làm đôi, đập dập để sấu nhanh tiết ra vị chua.
Hành tăm rửa sạch, băm nhỏ. Ớt tươi làm tương tự.
Bún chần qua nước sôi, cho ra rổ để ráo nước.
Rau ăn kèm nhặt, ngâm rửa nước muối sạch sẽ rồi thái rối, để ráo nước.
Chuối xanh tước vỏ, cắt mủm đầu, mủm cuống, sau đó cắt làm 3 khúc, mỗi khúc bổ làm đôi, ngâm nước để không bị thâm.
Vỏ chuối xanh cũng có thể ăn được. Nhiều người tước vỏ chuối rồi thái khúc, rửa sạch để nấu cùng.

Chuối xanh sau khi ngâm, vớt ra để ráo, chiên sơ qua dầu để chuối không bị bở nát, lại bùi ngậy hơn. Để chuối chiên có màu vàng đẹp mắt, cho 1 ít bột nghệ vào chảo dầu. Và không cần phải sử dụng quá nhiều dầu, chỉ cần 1 lượng đủ láng mặt chảo là được.

Xào cà chua, dứa, sấu
Cho nửa số hành tăm đập dập vào phi thơm ở chảo dầu vừa chiên chuối xanh, sau đó cho cà chua, dứa và sấu vào xào sơ qua ở lửa lớn.

Xào lươn
Để lươn không bị tanh, nên xào qua lươn. Ngoài ra, xào lươn cũng giúp lươn dai hơn, không bị nát vỡ khi nấu lẩu.
Cho 3 thìa canh dầu màu điều vào chảo, nóng dầu thì phi thơm 1 nửa số hành tăm còn lại và ớt băm, rồi cho lươn vào xào nhanh ở lửa lớn.

Nấu nước dùng lẩu lươn
Để nước dùng lẩu lươn có độ ngọt, bạn cần ninh xương lươn và thêm 1 ít xương ống heo. Tuy nhiên, nếu không dùng xương ống heo, bạn có thể chỉ cần ninh xương lươn và sẽ sử dụng bột nêm để tạo độ ngọt cho nước dùng.
Và để cho nước dùng được thơm, thả 1 vài củ hành khô nướng vào ninh cùng xương lươn.

Cách nấu lẩu lươn
Khi nước dùng có độ ngọt nhất định, cho cà chua, dứa, sấu vào nồi để nấu. Sau khi nước bùng sôi trở lại, nên nấu thêm độ 10 phút để vị chua của các nguyên liệu này tiết ra.


Khi nước lẩu sôi, hớt bỏ lớp bọt và nêm lại gia vị. Gồm có:
- Nước mắm
- Bột nêm
- Bột ngọt
- Đường
- Dấm
Nêm nếm sao cho vị nước dùng đậm đà, tuy nhiên vẫn bật lên được vị chua dịu.
Dứa, cà chua và sấu đã có sẵn vị chua nên bạn không nên cho quá nhiều dấm kẻo nước lẩu bị chua quá. Tốt nhất nên nêm nếm trước với người chưa có kinh nghiệm.
Tiếp tục nấu thêm khoảng 5-7 phút để thịt lươn mềm và thấm vị, sau đó chuyển nồi nước dùng sang nồi lẩu chuyên dụng hoặc dùng bếp ga nếu ít người ăn.

Cách thưởng thức
Lẩu lươn phải ăn lúc nóng mới ngon. Lúc ăn, nhúng hoa chuối và rau thơm ăn kèm cùng với lươn. Để món ăn thêm đậm đà, có thể pha chế muối tiêu chanh để chấm thịt lươn và các loại rau nhúng. Nước lẩu dùng để chan ăn cùng với bún rất ngon.

Lẩu lươn có mùi thơm, phảng phất mùi chua dịu rất hấp dẫn. Lươn mềm, đậm vị và không hề tanh. Trong khi đó, nước dùng lẩu đậm đà, hoa chuối và rau thơm khi nhúng vào, thấm đẫm nước lẩu ăn rất bùi và đưa miệng.
Nhìn chung, lẩu lươn hoa chuối là món lẩu rất hấp dẫn, bổ dưỡng mà các bạn không thể bỏ qua, đặc biệt khi muốn thay đổi khẩu vị 1 chút khi đã quá quen thuộc với lẩu bò, lẩu gà... Chúc các bạn thành công khi áp dụng cách làm lẩu lươn mà Cookbeo đã chia sẻ ở trên nhé!
Mẹo & lưu ý
5 mẹo để món lẩu lươn được hấp dẫn hơn:
- Hầu hết các món lẩu đều cần ninh xương (heo, bò, gà...) để làm nước dùng, trừ trường hợp bạn không muốn tốn nhiều thời gian.
- Hành tăm là loại hành thơm ngon có nhiều ở Nghệ An. Loài hành này ở các thành phố lớn cũng có nhưng không phổ biến bằng hành khô.
- Ướp thịt lươn với dầu màu điều để thịt lươn có màu sắc bắt mắt hơn. Dùng bột nghệ cũng được nhưng dùng nhiều sẽ có mùi hắc.
- Nếu muốn ăn lẩu lươn chua cay chỉ cần thêm sa tế vào nồi nước dùng khi thưởng thức. Giữ nguyên cách làm này là được.
- Để chuối và hoa chuối không bị thâm bạn chỉ cần thái trong chậu nước to. Thái đến đâu nhúng vào nước rửa mạnh tay đến đó với mục đích là rửa sạch nhựa chuối chảy ra rồi vớt sang chậu nước khác đảm bảo chuối không bị thâm mà không cần dùng đến chanh và giấm.