Cách làm nộm chân vịt rút xương giòn ngon, thanh mát
Nộm chân vịt rút xương hấp dẫn người ăn từ màu sắc bắt mắt và cả hương vị chua cay mặn ngọt vô cùng hòa quyện. Đặc biệt, chân vịt rút xương ăn rất giòn, mát và không hề gây cảm giác ngán, đây chính là yếu tố quan trọng quyết định đến độ ngon của món nộm này.

Nguyên liệu
- 300g chân vịt rút xương
- 3-4 quả dưa chuột ~ 500g
- 1 củ cà rốt ~ 150g
- 100g giá đỗ
- Mùi tàu, rau húng láng
- Đậu phộng rang
- 1-2 quả ớt cay
- 2 quả chanh
- 1 củ tỏi, 1 đốt gừng
- Gia vị: Muối hạt, dấm, đường, nước mắm

Cách làm
Sơ chế chân vịt
Chân vịt trước khi sơ chế cần phải lột sạch lớp màng màu vàng bên ngoài, đồng thời cắt bỏ những phần chai bẩn đi rồi rửa qua. Tiếp đến sẽ là bước rút xương chân vịt. Bước này khi mua bạn có thể nhờ người bán rút xương luôn. Nếu không, bạn có thể tự rút chân vịt theo cách sau:
Đầu tiên, bạn úp ngược chân vịt xuống, gập cong lại và dùng dao có đầu nhọn khía 2 bên cạnh ống chân vịt và tách bỏ phần xương ống to trước. Tiếp đến, rạch dọc các ngón chân nhỏ, tiếp tục dùng đầu dao nhọn lách bỏ xương. Cuối cùng là lách phần ngón nhỏ thừa riêng là đã hoàn thành việc rút xương chân vịt.
Chân vịt sau khi rút xương, bạn nhớ cắt bỏ những phần thâm đen, sau đó bóp muối hạt. Nếu có rượu trắng và gừng tươi giã nhuyễn để bóp chân vịt cùng với muối hạt sẽ có tác dụng làm sạch và khử mùi hôi rất hiệu quả.

Nấu 1 nồi nước, thả vào nồi vài lát gừng đập dập và xíu muối hạt. Khi nước sôi, cho chân vịt vào luộc trong khoảng 3 phút ở nhiệt độ lớn.
Trong lúc luộc chân vịt, bạn chuẩn bị 1 tô nước lọc đá, vắt 1 quả chanh vào. Sau khi chân vịt luộc xong, bạn vớt ra và ngâm ngay vào tô nước đá chanh. Đá lạnh giúp cho chân vịt giòn hơn trong khi nước cốt chanh sẽ làm chân vịt trắng hơn. Nếu không có chanh, bạn có thể thay bằng dấm gạo.

Ngâm chân vịt trong khoảng 5 phút thì vớt ra, rửa lại với nước lọc và để thật ráo nước. Lưu ý trước lúc vớt ra, bạn nhớ miết kỹ 1 chút để chân vịt không bị nhớt.
Sơ chế các nguyên liệu khác
Đậu phộng rang chín vàng, để nguội xát vỏ, giã thô.
Dưa chuột ngâm rửa nước muối, rửa sạch sẽ, để nguyên hoặc gọt vỏ tùy ý, cắt thành lát.
Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, bào thành sợi hoặc lát mỏng tùy ý.
Giá đỗ ngâm rửa nước muối, rửa sạch lại và để ráo.
Mùi tàu, rau húng nhặt rửa sạch sẽ, thái rối.
Tỏi bóc vỏ băm nhỏ. Ớt rửa sạch, băm nhỏ.

Pha nước trộn nộm chân vịt
Với lượng nguyên liệu như trên, bạn pha nước trộn nộm theo tỷ lệ sau: 4 thìa ăn cơm nước mắm, 12 thìa ăn cơm đường, 8 thìa ăn cơm dấm, 2 thìa ăn cơm nước cốt chanh và 1/2 thìa ăn cơm muối hạt. Khuấy đều để đường, muối tan. Sau đó cho tỏi, ớt băm vào.

Làm nộm chân vịt rút xương
Sau khi pha nước trộn nộm, bạn cho 4 thìa ăn cơm nước trộn nộm vào bát đựng chân vịt. Trộn đều và để chân vịt thấm gia vị trong khoảng 15 phút.

Bước tiếp theo, cho chân vịt, dưa chuột, cà rốt, giá đỗ vào 1 cái âu/bát thật lớn, đổ 2/3 lượng nước trộn nộm vào. Nhẹ nhàng trộn các nguyên liệu hòa lẫn vào nhau và để nộm thấm đều gia vị trong khoảng 5 phút rồi chắt bỏ phần nước thừa này đi.
Tiếp đến đổ nốt nước trộn nộm vào cùng với 2/3 lượng rau thơm và đậu phộng rang, trộn lại 1 lần nữa và không quên gạn bớt nước thừa ra ngoài.

Cuối cùng cho nộm chân vịt ra đĩa, rắc nốt rau thơm và đậu phộng rang lên và thưởng thức.

Nộm chân vịt rút xương rất hấp dẫn, từ hương vị đến màu sắc của món ăn. Chân vịt được sơ chế kỹ nên ăn rất thơm, giòn mát và đậm đà. Đặc biệt, nước trộn nộm theo tỷ lệ pha mà Cookbeo chia sẻ có vị chua cay mặn ngọt rất vừa vị. Chúc các bạn thành công và đừng quên chia sẻ thành phẩm với Cookbeo nhé!