Cách nấu canh cua rau ngót
Ngoài canh cua rau đay mồng tơi, bạn có thể thay đổi 1 chút với cách nấu canh cua rau ngót dân dã nhưng hương vị rất thơm ngon, thanh mát lại bổ dưỡng.

Nguyên liệu
- 200g cua đồng
- 1 bó rau ngót to ~ 450g
- 2 củ hành khô
- Muối hạt
- Gia vị: Bột ngọt, bột canh, bột nêm, nước mắm

Cách làm
Sơ chế cua đồng
Cua đồng bạn có thể nhờ người bán sơ chế và xay luôn. Hoặc nếu muốn tự làm cua để đảm bảo sạch sẽ, bạn tham khảo cách làm cua như sau:
Cho cua vào chậu, đổ nước vào, dùng đũa khuấy đều để cua dính vào nhau. Rửa đến khi nước trong thì đổ cua vào rổ/rá cho ráo nước.
Dùng tay kẹp 2 càng nhỏ cuối cùng 2 bên thân cua, sau đó tay còn lại tách mai cua và bỏ yếm. Để riêng phần mai và thân cua cho dễ sơ chế.
Dùng đuôi thìa khều gạch cua nằm trong mai cua ra dụng cụ rây lọc. Sau đó dội qua nước cho sạch, để gạch cua ra bát.
Thân cua sau khi tách bỏ yếm cũng nên rửa lại sạch sẽ, để ráo rồi cho vào cối hoặc máy xay để xay nhuyễn. Cho thêm 1 ít muối hạt xay cùng để thịt cua đậm và không bị tanh.

Cua sau khi xay, cho vào tô lớn, đổ nước vào, bóp nhẹ và khuấy đều để thịt cua tách khỏi xương, sau đó khéo léo nghiêng cái tô, chắt phần nước cua vào nồi. Phần thịt cua nhẹ hơn sẽ quyện với phần nước này trong khi xương cua nặng hơn sẽ lắng xuống dưới đáy tô.

Tiếp tục cho nước vào và lọc cua như vậy đến khi thấy nước trong thì thôi. Phần nước để nấu canh cho 3-4 người các bạn ước tính khoảng 1,2-1,5 lít là vừa đủ.
Sơ chế các nguyên liệu khác
Rau ngót tuốt lấy lá, bỏ lá già, vàng và bị sâu. Sau đó đem rửa qua, ngâm với nước muối loãng khoảng 2-3 phút, rồi rửa sạch lại, cho ra rổ ráo nước. Cuối cùng vò nhẹ rau ngót để khi nấu rau được mềm.

Hành khô bóc vỏ, thái lát mỏng. Phần hành khô này sẽ dùng để chưng gạch cua.
Cách nấu canh cua rau ngót
Đầu tiên, trước khi nấu canh cua bạn có thể chưng gạch cua trước. Gạch cua có thể cho vào nước lọc cua để nấu canh luôn, tuy nhiên nếu chưng lên cùng với ít hành khô, gạch cua sẽ có độ ngậy thơm và bùi hơn rất nhiều.
Theo đó, cho 1 thìa canh dầu ăn vào chảo, phi thơm hành khô, sau đó cho gạch cua vào, xào đều tay. Vì gạch cua dễ bị cháy nên cần chưng ở lửa nhỏ. Và để gạch cua thêm đậm thơm, bạn cho vài giọt nước mắm.
Khi gạch cua chín, cho ra bát riêng.
Tiếp đến, cho nồi nước lọc cua lên bếp, nêm thêm 2 thìa cà phê bột canh, 1 thìa cà phê bột ngọt, khuấy đều theo chiều kim đồng hồ, bật bếp để nấu canh.
Vì canh cua rất dễ trào nếu nấu ở lửa quá lớn, nên bạn cần phải kiểm soát mức lửa, chỉ nên nấu ở lửa vừa. Và thỉnh thoảng dùng đũa khuấy nhẹ để thịt cua không bị dính dưới đáy nồi.
Khi gần sôi, thịt cua sẽ bắt đầu nổi lên trên bề mặt nước canh và đóng thành từng bánh, lúc này bạn có thể hạ lửa xuống 1 chút để giảm thiểu độ trào của nước khi sôi, giúp bánh cua không bị vỡ nát.

Khi nước canh sôi, bạn nấu thêm khoảng 1-2 phút để bánh cua chín và đóng chặt vào nhau. Vớt bánh thịt cua này riêng ra 1 bát.

Tiếp đến cho rau ngót vào, đảo đều. Bạn nhớ hớt bọt để nước canh cua được trong.

Nấu khoảng 2 phút là rau ngót chín, nêm lại gia vị vừa ăn gồm có bột canh, bột nêm, chút nước mắm rồi tắt bếp, múc canh ra tô. Cho gạch cua chưng và bánh thịt cua lên trên.

Canh cua nấu rau ngót rất thơm, mùi thơm ngọt của rau ngót hòa quyện với hương thơm đậm của nước cua và gạch cua được chưng kỹ cùng hành khô. Đây là món canh cua hấp dẫn không hề thua kém canh cua rau đay mồng tơi hay canh cua rau muống.
